Rệp sáp bột hồng hại Sắn (Khoai mì) tại các vùng trồng Sắn của tỉnh Tây Ninh 14/01/2019

Nguyễn Viết Minh

* Tính cấp thiết:

Cây sắn (Manihot esculenta Crantz) có nguồn gốc từ Nam Mỹ, ngày nay được trồng ở khoảng 100 nước trên thế giới. Sắn được tổ chức Nông lương thế giới (FAO) xếp là cây lương thực thứ tư sau lúa gạo, ngô và lúa mì. Ngày nay cây sắn còn là sự lựa chọn số một để làm nguyên liệu rẻ nhất và hiệu quả cho sản xuất Biodiezen, thay thế cho những nguồn năng lượng khoáng đang ngày càng khan hiếm. Hàng năm, tổng diện tích trồng sắn của thế giới không ngừng tăng lên, từ năm 2001 đến năm 2010, diện tích tăng từ 17,04 triệu ha lên 18,57 triệu ha, tổng sản lượng tăng từ 182,23 triệu tấn lên 230,27 triệu tấn. Các nước đứng đầu thế giới cả về diện tích và sản lượng gồm có Nigeria (3,13 triệu ha và 37,5 triệu tấn năm 2010), Brazil (1,78 triệu ha, 24,52 triệu tấn), Indonesia (1,18 triệu ha, 23,92 triệu tấn) và Thái Lan (1,17 triệu ha, 22,01 triệu tấn). Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 10 Thế giới về diện tích với 0,5 triệu ha và đứng thứ 8 về sản lượng với 8,52 triệu tấn (FAOSTAT, 2012). Năm 2011, diện tích trồng sắn của nước ta có 560,1 nghìn ha, chiếm trên 4,9% tổng diện tích gieo trồng cây cả nước, sản lượng đạt 9875,5 nghìn tấn, (Tổng Cục thống kê, 2012), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 960 triệu USD (Tổng Cục thống kê, 2012). Đến tháng 11 năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sắn đã đạt tới 1226 triệu USD. Tỉnh Tây Ninh những năm qua luôn đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng sắn. Năm 2011 diện tích đạt 45,7 nghìn ha với sản lượng đạt 1325,9 nghìn tấn (Tổng Cục thống kê, 2012), đến năm 2017 diện tích đã đạt gần 60 nghìn ha, chủ yếu phân bố ở các huyện Tân Biên, Tân Châu và Châu Thành, chiếm khoảng 15% tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh; có ưu thế hơn các địa phương khác về đất trồng bằng phẳng, ít sói mòn. Tây Ninh được đánh giá là nơi phát triển cây sắn bền vững nhất. Với những mô hình trồng sắn thành công với năng suẩt cao, hệ thống các nhà máy phát triển hiện đại, đảm bảo đầu vào đầu ra ổn định, lãi ròng trung bình từ 12-14 triệu đồng/ha, cây sắn trong nhiều năm qua là cây mang lại việc làm và thu nhập cao cho nông dân tỉnh Tây Ninh.

Cây sắn thường bị một số côn trùng như mối, rệp, sâu cuốn lá…gây hại, tuy nhiên không đáng kể. Gần đây, loài dịch hại ngoại lai rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihoti (họ Pseudococcidae, bộ Hemiptera) đã xâm nhiễm vào một số vùng trồng sắn nước ta, phát hiện đầu tiên ở Tây Ninh tháng 6/2012.

 

Đây là loài sâu hại được xác định có tính nguy hiểm và gây hại nghiêm trọng cho cây sắn. Rệp sáp bột hồng tấn công đỉnh sinh trưởng của cây sắn, gây hiện tượng chùn ngọn, làm cho cây sắn bị lùn, có thể gây rụng toàn bộ lá của cây sắn khi mật độ rệp cao. Ở Châu Phi, thiệt hại năng suất sắn do rệp sáp bột hồng lên tới 80-84% (Herren, 1990). Cây sắn chủ yếu trồng bằng hom giống, và đây là con đường lây lan rất nhanh và rộng của rệp sáp bột hồng. Ở Thái Lan, chỉ trong vòng 2 năm (từ tháng 4/2008 đến tháng 5/2010), diện tích sắn bị nhiễm rệp đã tăng từ 48 nghìn ha lên tới 166,7 nghìn ha. Rệp sáp bột hồng còn có khả năng lây lan nhanh nhờ phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, phương tiện vận chuyển, v.v…nên rất khó để kiểm soát và tiêu diệt triệt để. Ngoài ký chủ chính là cây sắn, rệp sáp bột hồng còn được phát hiện gây hại trên cây cao su, cói lác, cây trạng nguyên…

 

Trước tình hình phát sinh gây hại và lây lan nhanh, mang tính nguy hiểm của rệp sáp bột hồng, các ngành chức năng của tỉnh Tây Ninh đã kịp thời và nhanh chóng huy động lực lượng ngăn chặn dịch hại này, tiến hành thu gom tiêu hủy nhiều diện tích sắn bị hại. Tuy nhiên, tồn lưu của rệp trong các vùng trồng sắn là khó tránh khỏi, nguy cơ bùng phát dịch gây hại nghiêm trọng rất khó lường trước. Vì vậy cần có những nghiên cứu về rệp sáp bột hồng và các biện pháp phòng trừ thích hợp, từ đó xây dựng được quy trình phòng trừ tổng hợp hiệu quả, giảm thiểu tác hại của loài rệp này đến các vùng trồng sắn của tỉnh Tây Ninh nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.

* Tổng quan tình hình nghiên cứu:

Theo Herren (1981), Norgaard (1988), Herren và Neuenschwander (1991), rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti Mat-Ferr. có nguồn gốc từ Nam Mỹ, quê hương cây sắn Manihot esculenta. Đầu những năm 1970, rệp sáp bột hồng tình cờ du nhập vào Châu Phi, chúng được phát hiện đầu tiên ở Congo. Trong điều kiện không có kẻ thù tự nhiên, loài sâu hại này nhanh chóng lây lan khắp các vùng trồng sắn của Châu Phi chỉ trong vòng 10 năm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây sắn, thiệt hại năng suất củ lên tới 60%, năng suất lá lên tới 100%. Năm 2008, rệp sáp bột hồng được phát hiện ở Thái Lan, từ đó chúng lây lan ra khắp các vùng trồng sắn của Thái Lan và các nước lân cận như Campuchia, Indonesia (Muniappan và cs., 2009). Williams và Granara de Willink (1992) đã báo cáo có 19 loài thuộc Sternorrhyncha trong đó Phenacoccus manihoti và Phenacoccus herreni được chú ý đặc biệt vì đây là 2 loài gây hại nghiêm trọng cho cây sắn ở Châu Phi và Nam Mỹ. Ở Nam Mỹ, Phenacoccus manihoti chỉ hạn chế ở một số vùng của Paraguay, Brazil và Bolivia. Trong khi đó, loài Phenacoccus herreni phân bố rộng hơn ở Bolivia, Brazil, Colombia, Grenada, French Guiana, Guyana, Tobago và Venezuela, tuy nhiên loài này không có ở Châu Phi.

Theo Neuenschwander và cs. (1986), P.manihoti gây hại chủ yếu trên cây sắn, ngoài ra ở Châu Phi loài này còn được báo cáo gây hại trên cây hổ nhân sâm Talinum triangularae Jack. Theo Williams và Granara de Willink (1992), ở Nam Mỹ, P. manihoti còn được tìm thấy trên cây Citrus spp. và đậu nành Glycine max. Theo Boussienguet (1984), trong điều kiện phòng lạnh, P. manihoti có thể được nuôi trên cây trạng nguyên Euphorbia pulcherria.

Theo Herren (1981), P. manihoti sinh sống gây hại trên thân cây, cuống lá và lá gần đỉnh sinh trưởng của cây. Trong quá trình chích hút, rệp chích vào 1 độc tố làm lá bị xoăn, chồi chậm phát triển, cuối cùng là lá bị héo, rụng. Theo Nwanze (1982), P. manihoti chích hút trên cây sắn làm cây bị biến dạng phần ngọn, lá vàng và xoăn, thân cây bị còi, lóng ít và yếu ớt, ảnh hưởng đến chất lượng hom giống. Theo Cox và Williams (1981),toàn thân cá thể Phenacoccus manihoti được bao bọc bởi một lớp bột trắng, cơ thể có màu hồng, không có cánh, hình bầu dục, với những sợi tua rất ngắn. Theo Nwanze (1977), rệp sáp bột hồng là loài sinh sản đơn tính, chỉ có những con giống cái nở ra từ trứng không được thụ tinh. Vòng đời rệp sáp khoảng 20-21 ngày, ấu trùng có 3 tuổi, tuổi 1 khoảng 4 ngày, tuổi 2 khoảng 4 ngày, tuổi 3 khoảng 5 ngày, con cái trưởng thành đẻ tới 500 trứng trong một cái túi lớn, từ trứng đến tuổi 1 mất khoảng 8 ngày. Giai đoạn đầu ấu trùng có khả năng di chuyển rất nhanh, đây là nguyên nhân lây lan giữa các cây trong cùng 1 lô trồng. Theo Nwanze (1982), ở Nam Mỹ, rệp sáp bột hồng có nhiều kẻ thù tự nhiên, gồm 4 loài ong ký sinh, 12 loài thiên địch ăn thịt và một loài nấm ký sinh. Trong đó ong ký sinh Anagyrus lopezi được đánh giá là loài triển vọng nhất. Một số thiên địch thường gặp là chuồn chuồn cỏ Chrysopa sp., bọ rùa và bọ ăn rệp Cryptolaemus motrouzieri (Carina Weber, 2009).

Trong 2 năm 1981 và 1982, ong ký sinh Epidinocarsis lopezi (Hymenoptera: Encyrtidae) lần đầu tiên được phóng thích ở Đông Nam Nigeria bởi dự án của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (IITA). Trong năm 1983, ong ký sinh đã góp phần làm giảm mật số của rệp xuống rất thấp (Herren và Lema, 1983). Hiệu quả của ong ký sinh đã được chứng minh ở các thí nghiệm phòng trừ rệp sáp bột hồng, và sau đó đã được sử dụng ở các vùng sinh thái khác nhau của 16 nước Châu Phi (Neuenschwander và Herren, 1987).                

* Biện pháp phòng trừ:

- Chọn hom giống sạch, không nhiễm rệp sáp.

- Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư cây trồng vụ trước, cỏ dại xung quanh bờ đi

- Trồng với mật độ thích hợp, không quá dày, chăm sóc, bón phân cho cây sinh trưởng tốt

- Luân canh với cây trồng khác nếu vụ trước bị Rệp phá hại nặng

- Dùng thuốc hóa học: Pha hỗn hợp thuốc Sairifos 585EC + Dầu khoáng SK Enspray 99EC với tỷ lệ: 30 ml Sairifos 585EC + 80 ml Dầu khoáng SK Enspray 99EC cho bình 20 lít nước, phun 2 – 3 bình cho 1.000 m2, phun kỹ vào ngọn cây, chú ý phun mặt dưới lá, chỉnh bét phun mịn hạt, phun đủ lượng nước, phun lặp lại lần 2 sau 5-7 ngày.

Để tránh hiện tượng Rệp kháng thuốc, có thể phun luân phiên với thuốc Gà Nòi 95SP pha 25g cho bình 20 lít nước, Brimgold 200 WP pha 20g cho bình 20 lít nước, Saliphos 35 EC pha 60 ml cho bình 20 lít nước, phun lặp lại lần 2 sau 5-7 ngày, (lượng nước 400-500 lít/ha, nếu cây Sắn lớn thì tăng thêm lượng nước thuốc).

Tin cùng loại

Chỉ số gạo trắng Oryza (WRI), chỉ số bình quân gia quyền của báo giá xuất khẩu gạo trắng toàn cầu, kết thúc tuần ở mức 666 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn so với tuần trước, giảm 20 USD/tấn so với tháng trước và tăng 158 USD/tấn so với năm trước

Từ ngày 25/3/2024 đến 29/3/2024, giá cao su thiên nhiên (CSTN) của các sàn giao dịch OSE tăng và SICOM, MRE giảm. Giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Osaka – Nhật Bản (OSE) giao tháng 9/2024 là 2.170 USD/tấn, tăng 1,1%;

Trong các cuộc thảo luận gần đây tại Hồng Kông, đại diện thương mại Thái Lan Narumon Pinyosinwat và giám đốc điều hành của Tencent, cùng với đại biểu từ Shanghai East Best Ngoại thương (SEBFT), một nhà nhập khẩu sầu riêng nổi tiếng ở Trung Quốc, đã hoàn tất một thỏa thuận.

Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chỉ số gạo trắng Oryza (WRI), chỉ số bình quân gia quyền của báo giá xuất khẩu gạo trắng toàn cầu, kết thúc tuần ở mức 660 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn so với tuần trước, giảm 16 USD/tấn so với tháng trước và tăng 147 USD/tấn so với năm trước

Hệ thống này gồm 3 tuyến trục dọc, 3 tuyến trục ngang, với chiều dài 554 km được đưa vào hoạt động sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế - xã hội ở vùng đất rất giàu tiềm năng nông nghiệp này. Đường về miền Tây đã gần hơn .

Từ ngày 18/3/2024 đến 22/3/2024, giá cao su thiên nhiên (CSTN) của các sàn giao dịch OSE, SICOM giảm và MRE tăng. Giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Osaka – Nhật Bản (OSE) giao tháng 8/2024 là 2.166 USD/tấn, giảm 8,8%;

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 1,63 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023. Trong giai đoạn được xem xét, xuất khẩu rau quả đạt 4,21 tỷ USD, tăng 72,5% tương đương 1,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Sầu riêngMontong của Việt Nam đang vào cuối vụ, lượng đưa ra thị trường ít, trong khi chất lượng không còn tốt như trước. Kanyao của Việt Nam có mặt trên thị trường từ tháng 11 để chiếm lĩnh thị trường sầu riêng và mùa sản xuất kéo dài hơn hai tháng.

Từ ngày 04/3/2024 đến 08/3/2024, giá cao su thiên nhiên (CSTN) của các sàn giao dịch OSE, SICOM tăng và MRE giảm. Giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Osaka – Nhật Bản (OSE) giao tháng 8/2024 là 2.116 USD/tấn

  • Trụ sở Chính
  • CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO VỆ THỰC VẬT SÀI GÒN
  • Nguyễn Văn Quỳ, khu phố 1, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM
  • Mã số thuế: 0300632232
  • Tel: (028) 38 733 295 - 38 732 077
  • Fax: (028) 38 733 003 - 38 733 391
  • Website: www.spchcmc.vn - Email: info@spchcmc.vn
  • Xí nghiệp Bảo vệ Thực vật Sài Gòn
  • XÍ NGHIỆP CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO VỆ THỰC VẬT SÀI GÒN
  • Lô C1-C3 Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM
  • Tel: (028) 3873 4089 - Fax: (028) 3873 4090
  • Đơn vị trực thuộc
  • Kết nối chúng tôi