Dịch hại chính trên bắp (ngô) và cách phòng trừ 03/01/2015

1.Sâu xám:

1.1. Tên khoa học: Agrotis ypsilon. Tên tiếng Anh: Black cut worm. 

1.2. Gây hại: Trên bắp, sâu xám là sâu hại phổ biến, gây hại chủ yếu vào giai đoạn cây con ( từ khi cây bắt đầu mọc đến khi cây lớn khoảng 20 ngày). Ban ngày sâu non ẩn náu dưới đất hay dưới mặt lá, ban đêm bò lên mặt đất và cắn đứt ngang thân cây bắp sát mặt đất. Sâu xám thường gây hại nặng ở vùng đất nhẹ nơi sâu có thể vùi mình dễ dàng xuống đất, nếu sâu xuất hiện với mật số cao, thiệt hại có thể rất nặng. Ngoài bắp, sâu còn gây hại trên cà chua, đậu, bông vải, rau cải họ bầu bí…

1.3. Đặc tính sinh học: Bướm sâu xám (thành trùng) có màu nâu tối, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, ít bị dẫn dụ bởi ánh sáng đèn, con cái có thể đẻ trứng trên đất, trên tàn dư thực vật, trên cỏ hoặc trên thân, lá gần mặt đất, mỗi con cái có thể đẻ hàng trăm trứng, trứng mới đẻ có màu trắng, sắp nở có màu tím sẩm. Sâu non có 5 – 6 tuổi, khi đụng phải, sâu co lại, giả chết. Sâu tuổi 1 sống và gây hại trên cây bằng cách gậm thủng mô là thành những lỗ nhỏ li ti. Từ tuổi 2 trở đi sâu bắt đầu chui xuống đất, ban ngày nằm cuộn tròn dưới đất gần gốc, ban đêm bò lên cắn đứt ngang thân cây, sâu tuổi càng lớn, cắn phá càng mạnh. Khi ruộng thiếu thức ăn, sâu sẽ di chuyển sang ruộng khác. Khi sâu tuổi lớn sẽ chui xuống đất hoá nhộng. Vòng đời sâu xám khoảng 35 – 60 ngày, trong đó giai đoạn trứng: 4 – 11 ngày, sâu non : 22 – 34, nhộng : 9 – 13, trưởng thành : 2 – 4 ngày.

1.4. Phòng trừ:

+ Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại quanh bờ và mặt ruộng.

+ Cày ải phơi đất ít nhất 2 tuần lể trước khi trồng nhằm phá vỡ vòng đời của sâu.

+ (Nếu có thể) dẫn nước ngập ruộng.

+ Luân canh với cây trồng khác mà sâu không phá được.

+ Gieo trồng đồng loạt và đúng thời vụ.

+ Làm bẫy chua ngọt bắt bướm (gồm đường, rượu, dấm, thuốc trừ sâu).

+ Dùng cám rang thơm trộn với Gà Nòi 4G để bẩy sâu. Trộn 2 – 3 kg cám rang với 0,5 kg thuốc Gà Nòi 4G hay 0,5 kg Diaphos 10G để rải cho 1.000 m2. Bã mồi rải vào buổi chiều tối.

+ Dùng thuốc trừ sâu dạng hạt như Sargent 6G, Gà nòi 4G hay Diaphos 10H rải khi tỉa hạt theo liều khuyến cáo hoặc có thể phun Sairifos 585EC, Lancer 97DF, Sec Saigòn 20EC… vào buổi chiều tối khi sâu bắt đầu bò lên cắn phá.

   

2.Sâu đục thân

2.1.Tên khoa học: Ostrinia nubilalis. Tên tiếng Anh: Stem borer.

2.2.Gây hại: sâu đục thân bắp là loại côn trùng đa thực, ở nước ta sâu chủ yếu gây hại trên bắp, bông vải, mía, cao lương và một số cây khác thuộc họ hoà thảo. Trên bắp sâu đục thân gây hại  từ khi cây bắp được 1 tháng tuổi đến khi thu hoạch. Nếu cây bắp còn nhỏ, chưa có lóng, sâu chui vào ăn loa kèn, ăn thủng lá non làm thành một hàng dài, nếu bắp đã có lóng, sâu chui vào nách lá và ăn ở mặt trong của bẹ lá, sau đó đục vào thân ngay phía trên mắt và đục dần lên trên, do sâu không đục qua mắt được nên sâu phải chui ra ngoài mỗi khi đục sang lóng khác, triệu chứng nhận diện là trên thân bắp có lỗ đục và thấy có thải phân ra ngoài, thiệt hại nặng nhất do sâu đục thân gây ra là vào giai đoạn trổ cờ, nếu gặp gió mạnh, cây sẽ gãy ngang, nếu gãy dưới trái bắp thì cây sẽ không cho trái, còn nếu gãy trên trái thì trái sẽ kém phát triển, trái ít hạt, hạt không đầy. Ngoài thiệt hại trên lá, thân, sâu còn cắn phá cờ bắp , ăn hoa đực nhất là hạt phấn còn non ngay khi cờ còn nằm bên trong cây hay đã trổ ra ngoài,  khi trái đã hình thành, sâu còn cắn râu bắp khiến râu không thụ phấn được, ngoài ra sâu còn ăn vỏ trái hoặc đục vào lõi khiến trái bị cong queo, biến dạng. Ở ĐBSCL, sâu đục thân hại nặng vào vụ Hè Thu (tháng 5 – tháng 9) do lúc nầy mưa nhiều, độ ẩm cao, vườn cây rậm rạp.

2.3. Đặc tính sinh học: Thành trùng (bướm) có cánh màu vàng nâu, con đực nhỏ hơn con cái, ban ngày bướm ẩn náu trong bẹ lá, chủ yếu hoạt động về đêm. Con cái đẻ trứng thành từng ổ ở mặt dưới lá gần gân chính, mỗi ổ có vài chục đến hàng trăm trứng, trứng mới đẻ có màu trắng sữa. Sau khoảng 1 tuần trứng nở, thường nở vào buổi sáng, sâu có 5 tuổi, sâu tuổi nhỏ cắn thủng lá non, sâu tuổi lớn đục, chui vào trong thân và ăn những mô mềm, triệu chứng quan sát được bên ngoài là ta thấy có phân đùn ra ở các lỗ bị sâu đục. Sâu hoá nhộng bên trong đường đục ngay phía bên trên lỗ đục.

2.4.Phòng trừ:

+ Luân canh: Không nên trồng bắp (hoặc cao lương, cà….) liên tục từ vụ nầy sang vụ khác, từ năm nầy sang năm khác, nếu có thể trồng lúa, để cắt đứt nguồn thức ăn của sâu.

+ Nếu có thể, dùng tay ngắt trứng sâu, tiêu huỷ.

+ Chọn những giống bắp ít nhiễm sâu đục thân.

+ Sau khi thu hoạch, do sâu non, nhộng còn trong thân, nên cắt thân sát gốc, chôn vùi hay gom lại đốt hoặc đem cho trâu bò ăn.
+ Trồng tập trung, đúng thời vụ. Nếu trồng vào đầu  mùa mưa, nên trồng sớm, đồng loạt.

+ Thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm và phun thuốc diệt bướm đang đẻ trứng hay sâu non mới nở, mới cắn phá trong nách lá, trong loa kèn, chưa chui vào bên trong, có thể dùng các loại thuốc : Sairifos 585EC, Sec Sàigòn 10, 20EC, Lancer 97DF…

+ Nếu dùng thuốc hạt để ngừa sâu đục thân, có thể bỏ 7 – 10 hạt thuốc Sargent 6G, Diaphos 10H vào loa kèn lúc 30 –40 ngày, bỏ 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày, trường hợp ngừa sâu đục trái cũng có thể bỏ các loại thuốc trên vào râu bắp khi râu còn tươi. 

   

3. Rầy mềm hại lá bắp

3.1.Tên tiếng Anh: Aphids.

3.2. Gây hại: Rầy mềm thường sống thành quần thể từ 5 – 7 con hoặc thành từng đám với mật độ dầy đặc trên các bộ phận non như bẹ, lá non, cờ , lá bi…chúng phá hại bằng cách chích hút nhựa, nhất là vào giai đoạn trổ cờ do có nhiều chất dinh dưỡng, làm  cho cây mất hết chất dinh dưỡng, cây ốm yếu, còi cọc, sinh trưởng phát triển kém, nếu bị hại nặng, cây không cho trái, nếu có, trái cũng nhỏ, ít hạt, năng suất và phẩm chất sút giảm. Ngoài ra, rầy, rệp còn là môi giới truyền bệnh virus khảm làm lá quăn queo, cây phát triển không bình thường.

3.3. Phòng trị:

+ Trước khi gieo trồng nên làm sạch cỏ bờ và cỏ ngay bên trong ruộng bắp để tránh rầy trú ẩn từ các nơi nầy sẽ bay sang ruộng bắp để gây hại.

+ Không trồng dầy vì sẽ tạo điều kiện thích hợp cho rầy trú ẩn và gây hại.

+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trị kịp thời.

+ Khi mật số rầy mềm cao có thể phun thuốc trừ rầy mềm như Sairifos 585EC, Schezgold 500WG, Lancer 97DF… 

    

4. Bệnh Khô vằn

4.1.Tác nhân: do nấm Rhizoctonia solani. Tên tiếng Anh : Sheath blight.

4.2.Gây hại : Bệnh đốm vằn là bệnh phổ biến trên các vùng trồng bắp ở Việt Nam, ngoài bắp nấm còn gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau như lúa, đậu, cà chua, đậu đỗ, cải bắp, xà lách…Bệnh một khi đã xảy ra, nếu không phòng trị kịp thời hoặc không phòng trị đúng cách, năng suất có thể thất thu tới 50 – 60%. Trên bắp bệnh tấn công trên bẹ lá, phiến lá, thân, lá bi,  trái… triệu chứng đặc trưng của bệnh đốm vằn là đốm bệnh lớn, sủng nước, loang lổ như da beo, tâm màu xanh xám, rìa viền nâu, bệnh thoạt tiên xuất phát từ phần gốc sát mặt đất, ăn sâu vào như mô bên trong bẹ lá, sau lan dần lên trên làm thân, lá khô héo, cây tàn lụi, bắp thối…quan sát kỷ trên vết bệnh thấy có nhiều sợi nấm trắng và cả các hạch nấm nhỏ màu nâu xám, tròn, cứng, đây là các tác nhân lan truyền bệnh từ cây nầy sang cây khác, từ vụ nầy qua vụ sau. Bệnh đốm vằn thường phát triển khi cây bắp có khoảng 5- 6 lá tiếp tục cho đến khi cây lớn và gây hại nặng nhất là giai đoạn bắp trổ cờ, phun râu. Bệnh xuất hiện sớm thường làm cho cây héo rủ. Điều kiện nhiệt độ cao 25 – 30 độ C, ruộng trồng mật độ dầy, ruộng bón nhiều đạm, bón đạm muộn, bón không cân đối NPK, ruộng vụ trước bị bệnh đốm vằn…  bệnh dễ phát sinh và gây hại.

4.3.Phòng trị:

+ Không trồng dầy.

+ Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn, tiêu huỷ dư thừa thực vật vụ trước (nhất là vụ trước ruộng bị đốm vằn gây hại nặng).

+ Không bón thừa đạm (N), hay bón đạm quá muộn, bón cân đối N-P-K.

+ Không để ruộng quá ẩm.

+ Thường xuyên thăm đồng, chú ý quan sát dưới gốc thân, nếu có bệnh mới xuất hiện cần ngưng bón đạm ngay và phun thuốc đặc trị như : Vanicide 3, 5 SL, Saizole 5SC, KiSaigon 50EC. Chú ý phun kỷ, phun đủ lượng nước khuyến cáo. 

    

5.Bệnh gỉ sắt

5.1.Tác nhân: do nấm Puccinia maydis,Tên tiếng Anh: Rust.

5.2.Triệu chứng và tác hại: Bệnh gỉ sắt là bệnh phổ biến trên các vùng trồng bắp của nước ta, bệnh gỉ sắt gây hại chủ yếu trên phiến lá, đôi khi thấy trên bẹ và lá bi. Triệu chứng bệnh ban đầu chỉ là những chấm nhỏ li ti màu vàng nâu, sau đó các chấm nầy nổi to dần cỡ hạt tấm bên trong chứa đầy các chất bột màu nâu đỏ giống có màu gỉ sắt đây chính là các bào tử giúp bệnh lây lan, phát tán , nếu bệnh nặng các chấm  nâu sẽ liên kết lại thành từng đám trên mặt lá làm cho lá bị cháy khô, cây còi cọc, sinh trưởng phát triển kém. Bệnh gỉ sắt xuất hiện và gây hại từ khi bắp mọc đến khi thu hoạch, nếu bệnh xuất hiện sớm sẽ làm cho cây sinh trưởng kém, có thể chết nếu bị quá nặng. Bệnh thường xuất hiện và gây hại khi trời mưa nhiều, trồng mật độ quá dầy, bón thừa đạm, ruộng thiếu ánh sáng. Các giống bắp đường, bắp nếp thường bị nhiễm bệnh nặng, trong khi các giống bắp lai, năng suất cao ít bị bệnh nầy.

5.3.Phòng trị:

+ Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư thực vật của vụ trước mang đi tiêu huỷ bằng cách  phơi khô, đốt. Cày xới đất chôn vùi gốc, thân lá bắp còn sót lại sẽ hạn chế bệnh vụ sau.

+ Trồng mật độ thích hợp, vừa phải, không trồng dầy.

+ Dùng các giống kháng bệnh gỉ sắt.

+ Chăm sóc tốt, bón phân cân đối, hợp lý, không bón thừa đạm…

+ Cần phát hiện bệnh sớm, mới xuất hiện và phòng trị kịp thời bằng các loại thuốc đặc trị như: Saizole 5SC, Dipomate 80WP, Saipora 350SC 

 

6. Bệnh cháy lá lớn

6.1.Tên khoa học: Helminthosporium turcicum Pass. Tên tiếng Anh: Large Leaf Spot/Northern Corn Leaf Blight.

6.2.Triệu chứng, tác hại: bệnh ban đầu chủ yếu xảy ra ở các lá già bên dưới, vết bệnh ban đầu là các đốm nhỏ, màu xanh xám, dạng hình thoi ( giữa phình ra, hai đầu hẹp lại) tâm vết bệnh có màu xám, viền nâu đậm, không có quầng vàng, nếu điều kiện thời tiết thích hợp các vết bệnh sẽ phát triển mạnh, lớn ra, kéo dài theo gân lá, dạng hình thoi có khi dài đến 6 -  7cm  và liên kết lại với nhau làm lá cháy khô, khi gặp gió mạnh đầu lá cháy khô bị rách tươm. Thời tiết nóng, ẩm, các bào tử màu nâu xám sẽ hình thành trên bề mặt vết bệnh, lan truyền nhờ gió và nước xuống các lá thấp bên dưới rồi lan dần lên lá ngọn và lá bi. Bệnh nặng năng suất có thể thất thoát đến 40 – 50%. Bệnh đốm lá lớn thích hợp nhiệt độ 23 – 30 độ C, ẩm độ 90%. Bệnh cháy lá lớn thường xảy trên các chân ruộng trũng nước, nghèo dinh dưỡng, khi cây bắp có từ 7 – 8 lá trở đi.

6.3.Phòng trị:

+ Không trồng bắp trên các chân ruộng đất thịt nặng, chặt, bí, đất nghèo dinh dưỡng, đất trũng, úng nước, không chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô. Nên chọn những chân đất thịt nhẹ hoặc cát pha, thoát nước tốt trong mùa mưa.

+ Sau thu hoạch, thu gom tàn dư thực vật (lá, thân, trái…) cây bệnh mang đi tiêu huỷ. Trước khi gieo trồng vụ sau, cần cày bừa, xới ruộng kỷ để chôn vùi tàn dư thực vật xuống lớp đất sâu bên dưới để diệt nguồn bệnh vụ sau.

+ Bón đầy đủ và cân đối phân NPK, nhất là K, chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

+ Trên những ruộng thường xuyên bị bệnh, nên luân canh với cây trồng khác họ trong 1 – 2 năm, nhất là cây họ đậu hay lúa nước.

+ Xử lý hạt bằng nước nóng 52 độ C trong 10 phút.

+ Dùng giống kháng bệnh.

+ Thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và phun thuốc đặc trị KiSaigòn 50ND, Saizole 5SC, Sulox 80WP phun thuốc từ dưới gốc lên. 

 

7.Bệnh cháy lá nhỏ

7.1. Tác nhân: Helminthosporium maydis. Tên tiếng Anh: Small Leaf Spots / Northern Corn Leaf Blight.

7.2.Triệu chứng và tác hại: khác với bệnh cháy lá lớn, bệnh cháy lá nhỏ xảy ra sớm hơn, khi bắp mới chỉ có khoảng 2 – 3 lá, bệnh bắt đầu từ những lá dưới gốc rồi lan dần lên trên, thoạt đầu vết bệnh nhỏ như mũi kim, màu hơi vàng, sau đó đốm bệnh lớn dần có dạng tròn hay bầu dục, dài khoảng 5 – 6 mm, màu nâu xám, viền nâu đỏ, có quầng vàng, bệnh nặng các đốm có thể liên kết lại với nhau, ngoài lá, bệnh còn phát sinh và gây hại trên bẹ lá và hạt. Giống như bệnh cháy lá lớn, bệnh cháy lá nhỏ thường xảy ra trên các chân ruộng xấu,khô hạn, ít chăm sóc nhất là  khi thời tiết nóng, ẩm ướt.

7.3.Phòng trị: (Giống như cháy lá lớn) 

 

8. Bệnh phấn đen (Bệnh than đen)

8.1.Tác nhân: Ustilago maydis. Tên tiếng Anh: Corn smut.

8.2.Triệu chứng, tác hại: Bệnh gây hại trên các bộ phận của cây, nhưng chủ yếu và ấn tượng nhất là trên bắp, thoạt đầu trên bắp thấy xuất hiện các khối u sưng có dạng bọc nhỏ, sau đó phình to ra, lúc đầu bên trong  khối u có chất bột màu trắng hồng, sau chuyển sang màu đen, đó chính là các bào tử gây bệnh. Triệu chứng như mô tả (khối u, dị hình) cũng có thể xảy ra trên thân, bắp. Bệnh nặng làm cây đổ ngã, bắp bị thối hạt, phẩm chất hạt giảm. Bệnh phấn đen có thể phát sinh trong mọi giai đoạn sinh trưởng của cây bắp, bệnh xâm nhập qua gió, vết thương cơ giới, ruộng trồng dầy, bón nhiều đạm bị bệnh nặng.

8.3.Phòng trị:

+ Chọn giống kháng bệnh.

+ Vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu huỷ cây bệnh.

+ Xử lý hạt bằng nước nóng. 

 

Tin cùng loại

Hoa Mai tượng trưng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc và may mắn. Mai có vóc dáng thanh tú, lả lướt của cây Trúc, nhưng cũng có thể mang dáng vẻ uy nghi của cây Tùng, cây Bách. Từ lâu, thú chơi mai đã được nhiều người biết đến, để có một cây mai đẹp ra hoa đúng tết, hoa đẹp, lâu tàn thì cần một năm chăm sóc. Để tạo dáng cây mai đẹp có khi mất đến 3 - 5 năm mới thành công. Kỹ thuật trồng mai là hết sức cần thiết đối với những người chơi hay kinh doanh mùa tết.

Dưa hấu là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, vì vậy thường được đầu tư thâm canh cao. Nhưng việc tăng cường đầu tư thâm canh không hợp lý sẽ tạo điều kiện cho nhiều dịch hại phát triển, trong đó thán thư là một trong những bệnh hại phổ biến và nguy hiểm trên dưa. Bệnh này đã làm cho những người sản xuất dưa gặp không ít khó khăn.

Sâu đục thân gốc là xén tóc, thành trùng cái đẻ trứng vào các vết nứt trên vỏ cây, cách thân khoảng 1,5 mét trở xuống, sau đó sâu ăn phần vỏ mềm rồi đục sâu vào bên trong tạo thành những đường hầm ngoằn nghèo, nơi vết đục thấy phân và mạt cưa đùn ra ngoài, khi sâu đục tròn một vòng quanh thân, khi đó mạch dẫn nhựa bị cắt đứt, cây chết khô dần. Sâu gây hại tập trung vào tháng 7 đến tháng 9 trong năm.

Sâu cuốn lá là dịch hại phổ biến trên lúa, phân bố rộng khắp các vùng trồng lúa ở Á Châu. Tại Viêt Nam, những năm gần đây, diện tích lúa nhiễm sâu cuốn lá đứng thứ hai sau rầy nâu, đặc biệt ở những vùng trồng lúa thâm canh, dùng nhiều phân đạm. Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long sâu cuốn lá xuất hiện và gây hại quanh năm, tuy nhiên phổ biến trong vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Bệnh chết cây con (lở cổ rễ) là bệnh khá phổ biến đối với dưa hấu và nhiều loại cây trồng. Bệnh chết cây con đặc biệt phổ biến ở các vùng trồng chuyên canh, hoặc vùng chuyên trồng các cây rau màu trong nhiều năm. Ở những vùng ẩm thấp, vùng có thời tiết nóng ẩm thì bệnh thường nặng.

Cỏ mọc ở ruộng lúa gồm nhiều loại như cỏ cháo, chác, mác, mương, lồng vực, đuôi phụng… trong đó cỏ lồng vực và đuôi phụng là 02 đối tượng khó trừ, thường gây hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng nông sản sau thu hoạch nếu như không được diệt trừ triệt để bằng những loại thuốc có tính chuyên biệt.

Dưa hấu là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và được ưa chuộng nhất trên thế giới, không chỉ vì hương vị ngọt ngào, mát lạnh mà còn vì giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, quá trình trồng và chăm sóc dưa hấu không hề đơn giản, đặc biệt là khi đối mặt với các loài sâu hại chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng

Bệnh virus hại tiêu (bệnh tiêu điên) là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu trên thế giới, nhất là những vùng có khí hậu nắng nóng, khô hạn. Ở Việt Nam, bệnh tiêu điên khá phổ biến ở các vùng trồng tiêu nhiều năm

Diệt nhiều loại cỏ thuộc cả 3 nhóm hòa bản, cháo chác và lá rộng như: lồng vực (còn gọi là cỏ gạo, kê, mỹ), đuôi phụng, mồm, cháo, chác, bạc bợ, mác, xà bông, cỏ mực, vẩy ốc, rau dừa, rau mương… đặc biệt rất hữu hiệu với cỏ lồng vực nước và lồng vực cạn.

Cỏ ở ruộng lúa gồm nhiều loại như lồng vực, đuôi phụng, cháo, chác, rau mác, rau mương, vảy ốc…Mỗi loại cỏ có sự khác nhau về hình thái, tính thích nghi môi trường sống, sự sinh trưởng và phát triển.

  • Trụ sở Chính
  • CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO VỆ THỰC VẬT SÀI GÒN
  • Nguyễn Văn Quỳ, khu phố 1, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM
  • Mã số thuế: 0300632232
  • Tel: (028) 38 733 295 - 38 732 077
  • Fax: (028) 38 733 003 - 38 733 391
  • Website: www.spchcmc.vn - Email: info@spchcmc.vn
  • Xí nghiệp Bảo vệ Thực vật Sài Gòn
  • XÍ NGHIỆP CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO VỆ THỰC VẬT SÀI GÒN
  • Lô C1-C3 Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM
  • Tel: (028) 3873 4089 - Fax: (028) 3873 4090
  • Đơn vị trực thuộc
  • Kết nối chúng tôi