Bọ dừa: Thiệt hại và phòng trị 18/01/2019

Thạc sĩ: Huỳnh Kim Ngọc

Thiệt hại:

Bọ cánh cứng hại dừa còn gọi là Bọ dừa có nguồn gốc từ Indonesia, sau đó lây lan qua các đảo ở Thái Bình Dương như quần đảo Salomon (1929), Vanuatu (1937), Tahiti (1961), Úc (1984)… Tại vùng Đông Nam Á, Bọ dừa được phát hiện và gây hại khoảng năm 1999 – 2000. Ở Cambodia (2001) gần 2 triệu cây dừa bị chết và 7,2 triệu cây bị hư hại do bọ dừa. Tại Indonesia, bọ dừa là dịch hại chính ở hầu hết các tỉnh trồng dừa tại đây. Tại Malaysia, bọ dừa (Pleisispa reichei) được xem là dịch hại nguy hiểm hàng đầu đối với kỷ nghệ trồng dừa và dừa kiểng trên khắp cả nước. Tại Myanmar, bọ dừa được phát hiện gây hại muộn hơn (2004), tuy nhiên chánh quyền đã báo động và khẩn cấp tìm biện pháp đối phó. Tại Thái Lan, bọ dừa gây thiệt hại trầm trọng và đe doạ đến kỹ nghệ trồng dừa ở các tỉnh phía Nam và miền Trung nước này, nơi mà hàng năm giá trị thu được từ ngành trồng dừa lên đến 30 triệu đô la và ảnh hưởng trực tiếp đến 50,000 nông hộ tiểu điền, ngoài ra còn đe doạ nghiêm trọng đến kỷ nghệ du lịch. Tại Việt Nam, bọ dừa được ghi nhận lần đầu tại ĐBSCL vào năm 1999 và thiệt hại do bọ dừa gây nên ước tính lên đến 17,8 triệu đô la (2002), chi phí dùng thuốc phòng trừ lên đến 722,000 đô la… Dù vậy, dịch bọ dừa vẫn tiếp tục lây lan nhanh qua các tỉnh khác ở duyên hải Nam Trung bộ, ngoài việc ảnh hưởng đến thu nhập của nhà nông, bọ dừa còn ảnh hưởng đến vùng có cảnh quan du lịch nổi tiếng cả nước và môi trường sinh thái do việc dùng thuốc trừ trừ bọ dừa không đúng cách…

Phân loại:

Bọ dừa (Coconut hispine beetle, coconut leaf beetle, The two-coloured coconut leaf beetle) có tên khoa học là Brontispa longissima (Gestro), thuộc họ Ánh kim (Chrysomelidae), Bộ cánh cứng (Coleoptera), lớp côn trùng (Insecta), ngành chân đốt (Arthropoda), giới động vật (Animalia).

 

Ký chủ:

Đến nay, bọ dừa được ghi nhận gây hại cho nhiều loại cây trồng thuộc họ Cau, Dừa (Palmae), trong đó chủ yếu là dừa giai đoạn vườn ươm, vườn trồng nhất là cây còn non.

Đặc tính sinh học và gây hại:

Trứng: hình bầu dục, hơi dẹp, màu nâu sậm, được đẻ từng quả rời rạc kết dính lại trong kẻ lá của đọt non chưa bung ra, trứng dính chặt vào mặt lá thành hàng dài. Trứng nở 4 - 5 ngày sau khi đẻ. 1 con cái có khả năng đẻ 120 trứng.

Ấu trùng: có 5 tuổi (có tài liệu nói có 4 tuổi),  ấu trùng tuổi 1 có màu trắng, đầu hơi to so với thân mình, trên mặt của lớp chitin có các gai nhỏ, ấu trùng tuổi 2 các gai mọc dài ra ở hai bên thân và một đôi gai giống như cái kẹp ở cuối bụng, ấu trùng tuổi lớn có thân mình hơi dẹp chuyển sang màu vàng nâu, gồm 13 đốt. Ấu trùng mới nở bắt đầu ăn lá non, ít di chuyển và có xu hướng sợ ánh sáng. Ấu trùng hại nặng hơn con trưởng thành. Giai đoạn ấu trùng kéo dài khoảng 30 – 40 ngày.

Nhộng: giống ấu trùng tuổi 5, nhưng thân mình hơi co rút lại. Giai đoạn nhộng kéo dài khoảng 6 ngày trong kẻ lá non.

Thành trùng: đầu có màu nâu đậm, có râu dài, ngực màu vàng nâu, cánh trước màu đen, đầu cánh có màu vàng nâu, cánh có ánh kim, trên cánh có các chấm trắng chạy dài dọc theo cánh. Con đực nhỏ hơn con cái. Thành trùng cũng không thích ánh sáng, không bị dẫn dụ bởi ánh sáng, chủ yếu hoạt động và di chuyển (bay) vào ban đêm. Thành trùng gây hại trong kẻ lá non bằng cách cạp biểu bì lá non và thải phân tại chổ nên nơi cư trú và gây hại của bọ dừa rất dơ bẩn, nên triệu chứng nhận diện thiệt hại do bọ dừa là trên các lá non chưa bung ra ta thấy các sọc màu nâu đen chạy dọc theo gân lá, nếu tách ra ta sẽ thấy bọ dừa sống và gây hại dọc theo gân lá. Khi lá non bi hại bung ra, ta thấy lá khô, héo, mép tua và lá rủ xuống. Khi lá chết khô, thành trùng sẽ di chuyển xuống cuống lá (bẹ) bên dưới chờ đọt kế tiếp mọc ra và tiếp tục gây hại. Nếu mật số bọ dừa cao, lá mới mọc ra sẽ bị bọ liên tục cắn phá làm cây suy kiệt dần, còi cọc, cho năng suất trái kém và nếu nặng cây có thể chết. Thành trùng sống kéo dài có thể đến 220 ngày.

 

Bọ dừa thường gây hại nặng vào mùa khô hơn mùa mưa (do vào mùa khô cây thiếu nước, sinh trưởng kém hơn, nếu cây cùng lúc bị kiến vương gây hại, thiệt hại sẽ càng trầm trọng hơn), dừa non bị hại nặng hơn vườn dừa già do cây có sức chống chịu tốt hơn, vườn ít chăm sóc bị hại nặng hơn vườn chăm sóc, bón phân tốt.

Do khả năng bay hạn chế nên bọ dừa chủ yếu phát tán nhờ con người (di chuyển cây giống từ nơi nầy sang nơi khác) và do gió.

 

Thiên địch:

Gồm: (1) Kiến, (2) Đuôi kiềm (Chelichoches sp), (3) Thiên địch ký sinh giai đoạn nhộng Tetrastichus brontispa, (4) Nấm ký sinh Metarhizum anisopliae var. anisopliae, (5) Nấm ký sinh Beauveria bassiana và (6) Ong ký sinh ấu trùng Asecodes hispinarum.

Cách phát hiện và Phòng trị:

- Phát hiện: Quan sát lá non trên đọt, nếu thấy lá khô héo, có các vệt nâu dài dọc theo gân lá, nếu có thể, vạch kẻ lá để xem bên trong có trứng, ấu trùng hay thành trùng bên trong hay không.

- Phòng trị: Cần tiến hành đồng loạt trên diện rộng, có thể vận dụng các biện pháp sau:

+ Trước khi vận chuyển mua bán dừa giống hay các cây thuộc họ cau, dừa (cau bụng, cau vàng, cau trắng, cau đỏ, cau champagne, cọ cảnh, đủng đỉnh, dừa nước….) và cây họ Thiên Tuế từ vùng nầy sang vùng khác, cần kiểm tra lá đọt như đã nói trên, để phát hiện và phòng trị kịp thời không cho phát tán ra diện rộng.

+ Chăm sóc vườn dừa, cau kiểng, thiên tuế tốt, thường xuyên kiểm tra lá đọt để phát hiện sớm và phun thuốc trừ.

+ Bảo vệ thiên địch ăn mồi (kiến, đuôi kiềm), thiên địch ký sinh (ong ký sinh ấu trùng), nấm ký sinh…

+ Nuôi, nhân và phóng thích ong ký sinh Asecodes hispinarum.

+ Cây bị bọ dừa gây hại, nếu có thể, chặt và tiêu huỷ lá non để tiêu diệt trứng, ấu trùng nhộng và thành trùng bên trong.

+ Phun thuốc: Bọ dừa rất nhạy cảm với thuốc trừ sâu nhất là các loại thuốc có tính vị độc, tiếp xc, lưu dẫn, do đó nếu điều kiện thuận lợi (cây thấp) và cho phép (Không gây ô nhiễm môi trường xung quanh), có thể phun các loại thuốc như Sec Saigon 5, 10 hay 25EC, Brimgold 200WP lên đọt non dừa, cau kiểng… phun ướt đều kẻ lá non, phun buổi chiều tối.

+ Đặt thuốc vào bẹ lá: Do việc phải leo lên cây phun thuốc rất nguy hiểm và tốn công sức lại hại thiên địch, nên biện phát hiệu quả, ít gây ô nhiễm và tương đối đơn giản là dùng thuốc Gà Nòi 4 GR (bỏ thuốc hạt vô vải mùng, gói khoảng 20 – 30 gam), đặt vào bẹ lá non của cây dừa, cau. Do tác dụng tiếp xúc, vị độc, thấm sâu nên thuốc sẽ diệt ấu trùng và cả bọ trưởng thành sống bên trong lá.

Lưu ý: Chỉ đặt thuốc khi cây dừa đ lớn, trên 5 năm tuổi.

 

 

Tin cùng loại

Lúa là cây trồng chính và quan trọng để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, một khi thâm canh để tăng năng suất và chất lượng, thì nhiều loại dịch hại thường bộc phát.

 Vào mùa khô nên phun định kỳ ( 7 đến 10 ngày một lần), một trong các loại thuốc sau :  (1) Saimida 100SL, (2)  Sec Saigon 10, 25EC, (3) Sairifos 585EC ( + Dầu SK Enspray 99EC) , (5) Rải Sargent 6GR, Diaphos 10GR (trừ rệp sáp gốc)...

Thời gian gần đây, rầy phấn trắng hại lúa xuất hiện và gây hại nhiều trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cữu Long, nhất là Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Xuất khẩu sầu riêng hiện là đề tài nổi bật trong các cuộc gặp gỡ của hầu hết các nhà nông trên cả nước. Bên cạnh đó, hiện tượng sượng múi sầu riêng cũng được các nhà nông quan tâm không kém. Vậy hãy tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân và các biện pháp khắc phục nó.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quý bà con nông dân trong việc chọn lựa sử dụng sản phẩm mới thay thế các sản phẩm trừ cỏ do độc hại cao đã bị loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở nước ta như thuốc chứa hoạt chất Glyphosate, Paraquat, 2,4 D

Phân bón lá TANO 601 của công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn được đánh giá như là 1 loại phân bón đa năng, vì có thể sử dụng được ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, và cho hầu hết các loại cây trồng.

Chuột có mắt không tốt lắm, không nhìn thấy xa, không phân biệt được màu sắc, bù lại chuột có khả năng cảm nhận mùi, vị thức ăn rất tốt. Chuột rất thính tai, rất nhanh nhẹn, leo trèo, đào đất nhanh, bơi lội dễ dàng, chủ yếu phá hại về đêm.

Nấm hồng thường gây bệnh phổ biến trên các vườn cây cao su trong mùa mưa, nhất là trên các vườn cây từ 4-8 tuổi trở lên. Hiện nay, bị giá cao su chi phối, nên việc chăm sóc chỉ ở mức duy trì, làm cây suy yếu, vì vậy vào mùa mưa rất dễ bị nhiễm bệnh.

Dimenat 20 EC là thuốc trừ sâu dạng nhủ dầu (EC), thuộc nhóm lân hữu cơ (OP’s), tác động ức chế men Achetylcholinesterazase (AChE)

Cỏ dại ở đất trồng cạn đặc biệt là trên đất trồng mía, thường xuất hiện nhiều loại như mần trầu, lông, chỉ, lồng vực , túc, cháo, chác, mần ri, vòi voi, dền gai, cứt heo, mắc cở…, mỗi loại cỏ có cấu tạo hình thái, đặc điểm sinh trưởng, phát triển rất khác nhau.

  • Trụ sở Chính
  • CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO VỆ THỰC VẬT SÀI GÒN
  • Nguyễn Văn Quỳ, khu phố 1, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM
  • Mã số thuế: 0300632232
  • Tel: (028) 38 733 295 - 38 732 077
  • Fax: (028) 38 733 003 - 38 733 391
  • Website: www.spchcmc.vn - Email: info@spchcmc.vn
  • Xí nghiệp Bảo vệ Thực vật Sài Gòn
  • XÍ NGHIỆP CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO VỆ THỰC VẬT SÀI GÒN
  • Lô C1-C3 Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM
  • Tel: (028) 3873 4089 - Fax: (028) 3873 4090
  • Đơn vị trực thuộc
  • Kết nối chúng tôi